Tư duy nào để thành công hơn cho Kỹ sư trẻ?

Xin chào các bạn kỹ sư trẻ,

Sự suy thoái kinh tế và trào lưu dùng mạng xã hội (Facebook), dường như các bạn trẻ thời nay quá bận rộn với việc chia sẻ ảnh, status, check-in,…mà ít đi những trăn trở mang tính tư duy, sâu sắc, những thứ giúp bạn chiêm nghiệm và hoàn thiện bản thân để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong môi trường công việc. Đây không phải là tín hiệu đáng mừng và có lẽ nó sẽ để lại hậu quả sau vài ba năm nữa.

Nhằm góp tiếng nói cho những chủ đề về nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ (mới vào nghề), tôi đăng bài viết này. Nó là sự tổng hợp những điều tôi thấy tâm đắc sau khi đọc một bài báo trên tờ New York Times nói về những xu hướng xã hội hiện nay và chiêm nghiệm thấy nó khá đúng với quá trình phát triển của bản thân mình. Hy vọng, nó cũng sẽ có ích cho một số bạn độc giả.

Bài viết chủ yếu nói về những gì được coi là “quan trọng” mà xã hội cần ở một người kỹ sư dưới góc độ là người sáng tạo, làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội và được xã hội “tưởng thưởng”. Dưới đây là nội dung bài viết:

Khá nhiều người trong chúng ta khi còn trẻ thường muốn mọi thứ thật “nhanh”. Ví dụ: tôi phải học thêm kỹ năng ABC vì mọi người đang phát sốt lên vì nó, tôi phải làm ở công ty XYZ vì ở đó lương cao và tôi có thể giàu nhanh,…Việc đưa ra những quyết định tương đối vội vàng mà thiếu đi sự cân đo, đong đếm, tư duy, trăn trở,…đã và sẽ khiến nhiều người phải trả giá bằng thời gian và cơ hội. Điều đó giải thích vì sao chúng ta rất hay bắt gặp những lời than vãn, buồn phiền, bất mãn với công việc. Có một điều đã được đúc kết: Khi bạn làm việc gì đó, yếu tố quan trọng không phải là “tốc độ” mà là ở “phương hướng”. Nếu bạn đi sai hướng thì “tốc độ” càng nhanh sẽ càng khiến cho mọi sự trở nên tồi tệ nhanh hơn. Đó là lý do tại sao các bạn trẻ nên dành thêm thời gian để xác định chính xác “phương hướng” cho mình trước khi “tăng tốc”.

Nếu quan niệm người đi làm là người bán “sản phẩm” là sự sáng tạo, sức lao động thì khách hàng chính là xã hội mà chúng ta đang phục vụ. “Thành công” trong công việc khi đó sẽ được đong đếm bằng chất lượng “sản phẩm” bạn cung cấp cho xã hội và sự đón nhận hài lòng của họ. Họ càng hài lòng, bạn sẽ có càng nhiều phần thưởng. Với tư duy đơn giản như vậy, chúng ta hãy cùng nhau xem xét xã hội ngày nay đang “muốn” bạn có những tố chất gì hay nói cách khác, hãy cùng xem bạn nên trang bị cho mình hành trang tư duy như thế nào nhé. Hy vọng rằng những điều bên dưới sẽ giúp các bạn hoàn thiện bản thân và tìm ra được hướng đi phù hợp cho mình.

(những xu hướng này được tổng hợp từ các quan sát và nghiên cứu xã hội học, không phải do tôi nghĩ ra)

Nhanh hoặc Chậm nhưng Chất, đừng lơ lửng ở giữa
: Với đặc thù xã hội hiện đại, khi guồng quay cuộc sống trở nên hối hả, xã hội hay hẹp hơn là công ty bạn cần những người có thể đưa ra giải pháp thật Nhanh (để sớm đáp ứng khách hàng), giúp họ có thể vượt lên đối thủ. Nếu bạn không thể Nhanh, hãy làm việc thật Chất. Lý do rất đơn giản: Nếu bạn không đủ Nhanh để đáp ứng công việc, hãy lấy chất lượng giải pháp bạn làm ra để bù lại. Sẽ không có phần thưởng nào cho người “ở giữa” (Không Nhanh mà cũng chẳng có Chất).

Có Tầm nhìn và Tư duy: Trong xã hội hiện nay, khi mà rất nhiều công việc được đảm đương bởi máy móc và những công việc mang nặng tính “kỹ năng”, “quen tay”,…được chuyển sang cho những nơi có nhân công giá rẻ, bạn sẽ chỉ có thể tìm được những cơ hội hay phần thưởng lớn nếu bạn có tầm nhìn và tư duy. Trong thời buổi kinh tế tri thức, tư duy và ý tưởng là những thứ giá trị hơn nhân công rất nhiều. Bản thân “tư duy” hay “sáng tạo” là những đặc tính cần có của “kỹ sư” từ lâu nay. Việc học các “kỹ năng” cũng rất tốt, tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn dành thời gian xứng đáng để phát triển kiến thức bồi đắp cho tầm nhìn và tư duy của bạn. Nếu chỉ có “kỹ năng”, sớm muộn bạn cũng sẽ bị thay thế và giá trị làm ra thực sự không nhiều

Làm việc có hệ thống
: Nói nôm na, bạn làm mọi việc có tính “quy trình”. Nếu bạn làm mọi việc theo cảm hứng, theo “năng khiếu” sẽ dẫn đến hệ quả là những gì bạn đang mất bao công sức để làm sẽ không có giá trị gì cho những việc bạn sẽ làm trong tương lai. Cách làm việc có hệ thống sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề trong công việc một cách khoa học, tiết kiệm thời gian và giúp bạn có cơ hội tiếp cận những điều lớn lao hơn.


Luôn đặt câu hỏi “Tại sao”
: “Tại sao” là câu hỏi giúp tìm ra vấn đề, qua đó có được cách giải quyết hiệu quả. “Tại sao” cũng giúp bạn đưa ra những cải tiến, sáng tạo trong khi làm việc. Rèn luyện thói quen đặt câu hỏi “Tại sao” với những gì đang xảy ra xung quanh mình hàng ngày, bạn sẽ luôn thấy mình tràn đầy những ý tưởng, sáng tạo.

Ngoài ra, có một điều mà tôi muốn khuyên các bạn kỹ sư trẻ Việt Nam, đừng giới hạn kỹ năng ngôn ngữ của mình ở “đọc” và “nghe”. Hãy phát triển cả các kỹ năng “nói” và “viết”. Qua gần chục năm quan sát các bạn sinh viên, tôi mạo muội nhận xét rằng kỹ năng “nói” và “viết” của một số bạn quá yếu và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến những cơ hội trong công việc và cuộc sống sau này của các bạn.

“Nói” ở đây mang nghĩa là các biểu đạt ý kiến của bạn khi tham gia các chủ đề thảo luận (trên diễn đàn, website, seminar, hội thảo,…). Bằng cách “Nói”, bạn đưa ra được quan điểm của mình, nhận được đúng những gì bạn muốn từ người đối thoại và quan trọng hơn, nó giúp bạn trở thành người có cá tính, có quan điểm và có giá trị hơn. “Nói” hoàn toàn không mất phí nhưng rất nhiều bạn đang làm như là nó đắt đỏ.

“Viết”, ở một góc độ khác, là hoạt động giúp bạn sắp xếp, lưu trữ và phát triển tư duy. Ở góc nhìn gần nhất, nếu bạn là người thích sáng tạo, phát triển ý tưởng mới cho công việc, “Viết” sẽ giúp bạn làm những việc này tốt hơn nhiều. Hãy thử xem.

Facebook ít đi một chút, đào sâu suy nghĩ một chút, học cách làm việc khoa học, quan sát và đặt câu hỏi, thường xuyên biểu đạt suy nghĩ của bản thân, ghi lại những gì tâm đắc là những cách có thể giúp các bạn tự nâng cao “chất lượng” bản thân trong công việc và dần dần, nó sẽ có tác dụng lên những thành quả bạn thu được.

Tất nhiên, không phải ngày một ngày hai mà bạn làm được tất cả những thứ trên, nhưng nếu bạn không bắt đầu, quá trình ấy sẽ kéo dài mãi mãi.

Chúc các bạn có những lựa chọn đúng đắn cho sự nghiệp và gặt hái nhiều thành công.