Câu chuyện tâm tình về nghề bảo vệ của một vị thanh tra

Hàng năm tôi thường có dịp đi kiểm tra các mục tiêu bảo vệ trên toàn quốc. Những lúc rảnh rỗi tôi thường ngồi tâm sự với nhân viên bảo vệ, đúng là mỗi người mỗi cảnh chẳng ai giống ai. Vào nghề mỗi người một vẻ người thì vì tiền để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, người thì vì những thú vui được biết thêm một nghề trong những nghề mà mình đã trải qua, người thì chẳng vì tiền, chẳng vì thú vui chỉ muốn tránh xa những ham muốn đời thường nên vào bảo vệ. Người thì không quên được những công việc xưa kia mình đã làm như (bộ đội, công an) về nhà buồn và nhớ lại muốn đi làm bảo vệ vì nghề đó nó có sự tương đồng với công việc của mình … Rất rất nhiều lý do để đi làm nghề bảo vệ.

Tôi đến kiểm tra mục tiêu bảo vệ tại một tòa nhà ở Hà Nội, thấy một cậu nhân viên rất trẻ nhìn biển hiệu tên, tôi biết cậu ấy tên là Bình. Tôi hỏi cậu ấy

– Cháu vào đây làm việc lâu chưa?

Cậu ấy trả lời :

– Cháu vừa vào làm được mấy ngày thôi ạ. Cháu năm nay 18 tuổi quê ở Phú Thọ, cháu vừa thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong, trong khi chờ kết quả thi cháu xin vào đây làm bảo vệ.

Tôi hỏi cậu ấy :

– Làm sao cháu biết ở đây cần tuyển bảo vệ mà cháu xin vào?

Cậu ấy trả lời :

– Cháu xem thông tin tuyển dụng trên mạng ạ.

Tôi lại hỏi tiếp :

– Thế nếu mai đây cháu đỗ vào Đại học thì làm sao đây?

Cậu ấy trả lời :

– Hôm trước phỏng vấn, cháu cũng đặt vấn đề với bộ phận tuyển dụng của công ty rồi ạ, nếu cháu đỗ đại học thì cháu xin phép tiếp tục đi học và nếu không đỗ thì cháu tiếp tục sẽ làm bảo vệ. Sau khi thi tốt nghiệp xong cháu muốn xuống Hà Nội, để trải nghiệm cuộc sống nơi thành phố. Nếu mai ngày đỗ Đại học xuống Hà Nội học đỡ bỡ ngỡ, mặt khác cháu muốn kiếm thêm một chút tiền để đỡ đần bố mẹ.

Thế đấy ước nguyện đi làm bảo vệ chỉ có vậy thôi. Tại sao chúng ta lại không cho cậu ấy một cơ hội, mặc dù cậu ấy chỉ xin vào làm việc có vài tháng thôi, một ước muốn đầy tính nhân văn.

 

 

Trường hợp khác tôi đến kiểm tra một chi nhánh Ngân hàng tại Hải Phòng, tôi gặp một nhân viên bảo vệ tên là Phạm Văn Oanh, anh ấy rất to cao nét mặt phương phi đầy đặn tuổi chạc khoảng ngoài 50, anh ấy chắc phải mặc bộ quần áo số 7. Anh ấy đứng tại cửa ra vào của phòng giao dịch mở cửa cho khách ra vào. Tôi vào phòng giao dịch làm việc thỉnh thoảng liếc nhìn ra ngoài cửa, thấy tư thế mở đóng cửa anh ấy rất uy nghiêm, gật đầu chào hỏi khách hàng rất điềm đạm. Làm xong việc tôi mới ra ngoài tâm sự với anh ấy, tôi hỏi :

– Anh vào đây làm việc đã lâu chưa?

Anh trả lời :

– Tôi mới vào làm được 3 tháng.

Tôi chưa hỏi được gì thêm thì anh ấy nói luôn, đúng là tác phong quân đội.

– Chẳng giấu gì anh tôi là cán bộ cao cấp của quân đội về hưu, theo luật thì Đại tá 57 tuổi là nghỉ rồi. Tôi về được mấy tháng rồi ở nhà buồn quá, tiền thì cũng chẳng thiếu, con cái cũng trưởng thành rồi, chẳng phải lo lắng gì nhưng nói thật với anh tôi vẫn không quên được tác phong làm việc trong quân đội. Hàng ngày tôi bỏ bộ quân phục ra nó cứ thấy thiếu thiếu cái gì ấy, mặc vào thì lại thấy nó làm sao ấy mình đã nghỉ rồi. Đi làm thế này nó có giờ giấc, mang vác quân phục chỉnh tề chẳng khác gì quân đội cả, tôi vẫn cảm thấy là tôi vẫn đang phục vụ trong quân đội nên thấy rất vui. Hết ca trực tôi về nhà vui chung cùng gia đình và đàn cháu nhỏ thấy thoải mái và cảm thấy tuổi mình đang dần trẻ ra. Nói thật với anh ở đơn vị phòng không không quân tôi thường xuyên phải ở lại đơn vị, vì đơn vị tôi là đơn vị thường trực chiến đấu. Tôi có 2 chiến sĩ (công vụ) phục vụ từ sáng đến tối, đi ngủ thì có người mắc màn trải chăn, ngủ dậy thì có người lấy nước rửa mặt, pha trà gập chăn màn, quần áo thay ra thì có người giặt, phơi là phẳng và gập, treo đúng quy định. Đến bữa có người lấy cơm bày sẵn ra bàn. Nếu hôm nào tôi tập thể thao thì phải chuẩn bị nước ấm, quần áo sẵn để cho tôi tắm rửa … Nói tóm lại nhất cử nhất động từ việc nhỏ nhất tôi cũng có người phục vụ. Đấy là quy định của quân đội dành cho sỹ quan Chỉ huy cao cấp như tôi. Thế đấy bây giờ tôi về đây làm bảo vệ, chuyên mở cửa và mời chào khách ra vào với mức lương chưa đầy 4 triệu đồng, nhưng mà tôi vẫn thấy vui và yêu thích nó.

Tôi hỏi :

– Anh vui thế thì anh định làm đến bao giờ thì nghỉ?

Anh ấy cười nhẹ và nói :

– Khi nào các anh cho tôi nghỉ thì tôi nghỉ thôi. Tôi còn sức khỏe, còn trí tuệ thì tôi còn làm việc.

Thế đấy khi người ta làm việc với niềm đam mê thì họ không cần quan tâm đến việc trước kia họ như thế nào và đồng lương bao nhiêu chỉ cần được làm việc là vui rồi. Tôi bắt tay và chào anh ấy ra về trong tâm trạng rất vui, quả đúng là không trường hợp nào giống trường hợp nào.

 

Trường hợp khác khi tôi vào công tác tại TP HCM, khi xuống kiểm tra một mục tiêu cũng gặp một vị Đại tá tiến sỹ phó sư đoàn trưởng sư đoàn không quân (quê ngoài bắc tỉnh Ninh Bình). Anh ấy tu nghiệp tại Nga 7 năm sau đó lại trở lại Nga làm luận án Tiến sỹ. Gặp tôi anh nói chuyện hồ hởi lắm anh ấy cũng biết tôi đã từng phục vụ nhiều năm trong quân đội cho nên anh nói chuyện rất vô tư thoải mái. Thực ra là tôi đã chủ động gặp anh vì trước khi xuống mục tiêu tôi đã tìm hiểu kỹ hồ sơ anh này rồi. Tôi rất ngưỡng mộ anh ấy, tiền tài cương vị, học vị anh ấy đều có thế mà anh ấy vẫn đi làm bảo vệ với mức lương tại thành phố hơn 4 triệu đồng. Anh tâm sự với tôi :

– Thực ra tôi đi làm như thế này là để trốn tránh bạn bè. Anh biết đấy về hưu rồi chẳng còn việc gì, suốt ngày bạn bè tụ tập rủ nhau uống rượu. Ở quân đội thì anh biết rồi cỡ Chỉ huy như tôi thì ngày nào mà không uống rượu. Nhưng giờ ở tuổi này không giữ gìn thì sống được bao nhiêu nữa. Thế đấy tôi đi làm bảo vệ mục đích chỉ có thế thôi, từ ngày tôi đi làm bảo vệ đến giờ thấy khỏe ra rất nhiều, thấy có ích cho xã hội.

Biết bao những câu chuyện, với hàng ngàn nhân viên thì kể bao giờ cho hết được. Vậy đấy, nghề bảo vệ có rất nhiều chuyện để nói và bàn chứ. Nếu ai chưa hiểu, chưa biết hãy đọc những dòng tâm sự này để hiểu thêm về nghề bảo vệ. Và nếu đứng trước một sự lựa chọn thì nghề bảo vệ là một nghề xứng đáng để bạn lựa chọn.