Câu chuyện về nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Ngày mới bắt tay vào làm việc tôi tưởng tượng rằng để làm tốt công việc của mình tôi phải là một người ghê gớm và bản lĩnh vô cùng. Nhưng khi đi một chặng đường không quá xa tôi lại nhận ra thu nợ là cả một nghệ thuật.

Hai năm làm việc với chức vụ chuyên viên thu hồi nợ tại một Công ty luật, tôi chưa bao giờ hết bất ngờ bởi công việc mỗi ngày một thú vị, mỗi ngày lại có thêm một câu chuyện để mà ngẫm nghĩ.
Nhiệm vụ của tôi là nhận hồ sơ xấu của ngân hàng và các công ty tài chính về để xử lý nợ, trong đó có rất nhiều hồ sơ trả góp ví dụ như mua xe, mua điện thoại,…. hay cũng có thể là tiền mặt, tất tần tật tôi phải xử lý một cách sạch sẽ trong thời hạn nào đó. Công việc nào cũng có những khó khăn nhất định. Tôi là sinh viên mới ra trường, thời gian đầu tôi hiền như đất, ngồi nói chuyện với khách hàng thì toát mồ hôi hột. Có lần đến nhà khách hàng vừa bước chân vào nhà tôi cất tiếng.

 

  • Dạ thưa chú, cho con hỏi đây có phải là nhà chú A không ạ ?

 

  • Đúng rồi, Cô đến đây làm gì?

 

  • Dạ con đến làm việc với chú A về khoản nợ mà chú A vay tại ngân hàng ạ. Khoản nợ này thuộc vào nợ xấu nên trong thời gian tới bên công ty sẽ đưa ra khởi kiện hồ sơ, con đến làm việc mong gia đình hợp tác.

 

Không biết tôi nói như vậy chú ấy có hiểu gì không mà đùng đùng chú ấy chạy vào nhà cầm một cây dao thật to chạy ra rồi la lên.

 

  • Tao nợ ai, bây định đến đây hù dọa tao ah, cút, cút………

 

Tôi bạc toát cả mặt co chân chạy đi không dám ngoảnh lại, ngày đầu tiên đi làm đã bị mất chiếc dép. Tôi nghĩ trong đầu ngày đầu tiên mà như thế này rồi thôi nghỉ không làm nữa, làm không khéo có người chém đứt đầu, nhưng mà lỡ ký hợp đồng rồi thôi thì ráng cố gắng, nghỉ giờ người ta lại giận mình.

Vậy là cũng ráng, có vài lần đến nhà khách hàng nói gì thì nói người ta cứ trơ trơ lên nói không chịu trả là không chịu trả. Có lúc mất hết kiên nhẫn muốn đem ra tòa kiện cho xong nhưng rồi nghĩ lại ráng thuyết phục người ta trả nợ, kiện người ta cũng tội, tội luôn cả mấy anh bên tòa, vậy là lại tiếp tục ráng. Ráng vài ngày nữa thì đến nhà gặp tiếp một khách hàng nữa, người này ban đầu có vẻ thiện chí, hẹn đến ngày đó sẽ trả nợ. Mình cho khách hàng cơ hội, đến ngày mình gọi điện thì chị kia bảo.

 

  • Em ơi em, cố gắng giúp chị nhờ ngân hàng rút đơn kiện, không phải chị không trả mà trên đường đi đóng tiền chị gặp tai nạn giờ gãy chân đang nằm ở bệnh viện.

 

Tôi nghe vậy liền hốt hoảng bảo:

 

  • Chị ở đâu em tới xem chị như thế nào?

 

Chị kia chỉ bệnh viện cho tôi đến gặp. Tôi đến bệnh viện thì thấy chị đang nằm bó bột trên giường, tôi hỏi thăm chị vài câu rồi an ủi chị cố gắng dưỡng bệnh. Tôi về mà lòng đầy xót xa.

Ngày hôm sau tôi ra chợ mua thức ăn về nấu nướng thấy chị kia cũng đi chợ mà chân tay còn lành lặn, tôi đắn đo không biết mình có nhìn nhầm không. Tôi lén lút đi đằng sau kêu tên chị ta thật to, theo phản xạ thì người ta quay lại. Có vẻ chị hơi hốt hoảng khi bị tôi bắt gặp như thế này. Tôi bình thản hỏi:

 

  • Ồ, chân chị mau lành quá ha, như thế này thì ngày mai có thể trả nợ được rồi, em đang còn lo lắng không biết hồ sơ chị nên xử lý thế nào đây.

 

Tôi không tưởng tượng nổi vì sao người ta có thể sáng tạo đến thế. Còn có một vài người sáng tạo hơn chị kia nhiều, nào là bị ung thư giai đoạn cuối, nào là con đau, chồng đau nặng…

Có người biết chuyện còn đến công ty khóc thảm thiết xin rút lại hồ sơ vì chồng vừa mới mất, chị phải nuôi hai con nhỏ giờ không đủ điều kiện trả nợ. Nghe vậy tôi liền đến nhà chị thăm viếng. Ai ngờ đến nhà gặp một người đàn ông, tôi sợ nhầm nên nói rõ. Thì ra anh kia là chồng của chị , tìm hiểu thêm mới biết anh chồng vẫn đưa tiền chị trả nợ mà chị lỡ tiêu mất rồi, tới mức như thế này chị phải nói dối. Kết cục là anh chồng lôi chị kia ra cho một trận võ thuật trước mặt tôi. Vậy là hết đòi nợ lại chuyển qua tư vấn về hôn nhân gia đình.

Còn có người mua xe xịn cho bồ, đến khi không có tiền trả, vợ phải còng lưng lên trả thay. Những gì người ta nói tôi cần phải xác minh chính xác mới đưa ra quyết định cuối cùng. Ai ai cũng có hoàn cảnh riêng, nhưng mỗi trương hợp như vậy khi kết thúc hợp đồng tôi luôn là người khuyến khích họ nói thật, làm thật và phân tích những tác hại mà họ đã gây ra.

Tất nhiên rằng không phải ai cũng nợ nần theo kiểu như vậy. Cũng có những hoàn cảnh nghe mà đau lòng. Có lần đến nhà khách hàng có tên T. Lần đầu tiên đến nhà T tôi thấy ông T đang ngồi xem TV, hỏi bao nhiêu ông cũng không trả lời (vì ông điếc).

 

Tôi tiến thẳng vào nhà thì gặp mẹ T, một người phụ nữ bị tai biến liệt nữa người cố tiến gần tới tôi với đôi chân nhấc không nổi mà chỉ lết. Tôi chắc rằng sẽ rất nhiều người hoảng sợ khi lần đầu tiên gặp bà. Đôi mắt bà to ra trợn tròn lên như muốn bắn ra ngoài, tay run run lạnh toát với tới nắm lấy tay tôi, tay còn lại bị liệt co rúm lại. Giọng nói ậm ự lắp bắp không rõ từng chữ. Nói thật là tôi đã cảm thấy sợ nhưng vẫn lại gần.

Khi nhắc tới con bà thì bà khóc òa lên. Theo lời bà kể thì cậu con trai đang ở trong trại cai nghiện mồng 2 tháng 2 mới về. Nợ nần chồng chất. Bà bệnh tật như vậy mà mỗi tháng vẫn phải chắt chiu từng đồng trả nợ cho con, sợ người ta đưa ra công an, nợ giang hồ thì sợ người ta chém con mình. Bà đưa cho tôi xem quyển sổ thăm nuôi, bà vẫn đến thăm con đều đặn, chồng bà thì đã mất rồi, bà có mỗi cậu là con.

Tôi không hiểu hết tình thương của người mẹ, cũng không biết được cách bà dạy con như thế nào nhưng tôi biết bà rất yêu con và tôi còn phân vân không biết T khi thấy mẹ mình như thế này cậu sẽ cảm thấy như thế nào, có thấy mình là gánh nặng cho người khác hay không. Không biết cậu có cảm nhận như thế nào khi người mẹ bệnh tật phải bán nhà để chữa bệnh và trả nợ cho cậu, giờ chỉ lủi thủi một mình với người cha già không biết ngày mai như thế nào.

Đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn chạy qua thăm bà rồi cho bà nghe một vài băng đĩa thuyết pháp cho đỡ buồn.

Không phải chỉ một mình người mẹ già đó thương con và hành động như vậy. Còn có người mẹ sợ con bị vào tù nên đứng ra trả nợ, trả xong anh ta về còn chửi mẹ ngu, trả thay làm gì. Nỗi lòng của người mẹ, nước mắt chảy đầm đìa vì tủi nhục. Mỗi khách hàng, mỗi trường hợp, không ai giống ai.

 

Làm công việc nào rồi cũng có những khó khăn, những áp lực riêng. Công việc của tôi cũng vậy, nhiều khi ứa cả nước mắt bởi không lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. Nhiều khi không giải quyết sớm hồ sơ cũng bị sếp mắng. Mà đâu phải ai mình đến người ta cũng có sẵn tiền trong người mà trả. Có vài trường hợp đến nhà thấy cả vợ lẫn chồng đều thất nghiệp, tôi cũng phải chạy chỗ này chỗ kia để kiếm việc cho người ta làm có tiền trả nợ. Coi như giúp mình giúp người.

Đôi khi cũng thương khách hàng, cũng tìm mọi cách xin giảm phạt, giảm lãi cho họ đỡ khổ. Thế nhưng người ta cũng chẳng hiểu, chưa gặp mặt đã cho vào sổ thù vặt rồi, chưa gì đã chửi tôi xối xả. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Công việc của tôi cũng giúp ích cho biết bao người, đôi khi đơn giản chỉ là sự an ủi, động viên tinh thần họ.

Công việc của tôi là vậy đấy, chẳng có gì cao siêu. Nhưng để đòi được nợ là cả một nghệ thuật. Làm nghề này chúng tôi luôn đảm bảo nguyên tắc của thu hồi nợ là không được dồn người ta vào bước đường cùng. Nếu dồn ép họ không còn đường thoát thì họ sẽ phản kháng lại không chừng chính người đi đòi nợ sẽ lãnh chịu hậu quả.

Chớ dồn con nợ vào đường cùng, phải hướng cho họ một hướng đi.