Kiếm tiền bằng nghề “ném đá”, “lắng nghe”

Đối với nhiều bạn trẻ, đi làm thêm nghề bồi bàn, tiếp thị sản phẩm, bán hàng, giao báo… đã trở thành chuyện xưa. Giờ đây có những công việc kiếm thêm mới và lạ hơn nhiều.

Trên các diễn đàn thu hút đông đảo người tham gia như voz, webtretho, haiv… các chủ đề về scandal của nhân vật nổi tiếng nào đó luôn có nhiều luồng dư luận trái chiều, đấu đá nhau kịch liệt.

Vừa “ném đá” vừa lượm tiền

Ít ai biết rằng đa số những cuộc đấu đá trên đều là kịch bản được dựng sẵn, với một đội ngũ “chiến binh bàn phím” hùng hậu chia thành nhiều phe và tự đánh lẫn nhau. Họ còn được gọi là dư luận viên, nhiệm vụ duy nhất là đi “ném đá” để cuộc chiến ảo càng gay cấn, kịch liệt càng tốt.

Việc “ném đá” qua lại này không những duy trì chủ đề luôn hiện lên trang đầu mà còn khiến nhân vật tăng thêm độ hot.

Còn M.T. tự nhận mình là dư luận viên cấp thấp, chỉ đi khen chứ không đủ “trình độ” để lao vào những cuộc đấu võ bàn phím. Nhiệm vụ của M.T là vào các trang bán hàng của chủ trên Facebook, trên các diễn đàn mua bán để khen sản phẩm dùng tốt, đẹp, bền, rẻ… M.T đang nhận việc “khen” cho 8 sản phẩm khác nhau, tổng thu nhập khoảng 1,6 triệu một tháng.

M.T. cho biết khách hàng cần khen nhiều nhất là các chủ bán hàng kem tắm trắng lột da, mỹ phẩm tự chế… “Đi khen người ta nhưng nói thật, mình cũng chẳng bao giờ tin và dám dùng những sản phẩm như thế. Nếu là hàng tốt, người ta đã không phải thuê mình giả bộ khen” – M.T. nói.

A.D. cũng nói làm việc này được một thời gian rồi đâm ra nghi ngờ mọi thứ, nhìn ai cũng đặt câu hỏi “thật hay giả?” hết sức mệt mỏi.

Bán “sự lắng nghe”

“Bạn đang trăm mối tơ vò/Cứ gọi cho tớ, nửa giờ là xong” – đó là lời rao của nhân vật tên “chị Thanh Tâm” trên diễn đàn rao vặt. Khi liên hệ mới biết “chị Thanh Tâm” thực chất là bạn gái tên Kiều Liên, sinh viên ngành tâm lý học của một trường đại học tại Hà Nội. Liên nói nghề của mình là bán sự “lắng nghe” – điều nhiều người đang cảm thấy thiếu.

Khách hàng của Liên chủ yếu là học sinh cấp II, cấp III, số ít khác là dân công sở. “Làm công việc này một thời gian mới thấy các bậc phụ huynh bây giờ quá thiếu thốn thời gian cho con mình. Con có kinh nguyệt, bị điểm kém, bị loại khỏi đội tuyển thi môn chuyên, phải lòng một bạn cùng lớp… toàn những vấn đề mà đáng lẽ ra cha mẹ phải là người lắng nghe hơn ai hết”.

Kiều Liên bán “sự lắng nghe” với giá 50.000 đồng, thanh toán qua thẻ điện thoại. Sau khi nhận thẻ, Liên sẽ gọi lại cho bạn đó để nghe bạn nói chuyện. Liên sử dụng các dịch vụ gọi điện thoại giá rẻ của các nhà mạng, mỗi cuộc gọi kéo dài 15-20 phút. Mỗi tháng Liên bỏ túi được 2 triệu đồng cùng với một bồ kinh nghiệm tâm lý học.

Sự cố hi hữu nhất là một khách hàng 17 tuổi nhờ Liên… chép lại di chúc. Khách hàng ở TP.HCM, lại vừa khóc vừa nói khiến Liên chỉ nghe được đại ý bạn đó muốn tự tử vì cha mẹ mới chia tay, muốn để lại di chúc mong cha mẹ quay lại với nhau để nuôi dạy cậu em trai 11 tuổi. Vận dụng mọi lời lẽ và chiến thuật tâm lý, Liên mới thuyết phục được khách hàng từ bỏ ý định tự tử.

Sau đó một thời gian ngắn, khách hàng đó gọi lại cho Liên, thông báo gia đình đã đoàn tụ vì mẹ vô tình nghe được cuộc điện thoại đòi tự tử hôm nào. Liên chia sẻ: “Đấy là phi vụ tư vấn tâm lý lỗ lớn, nhưng lời lãi được hạnh phúc cả một gia đình”.