“Cho thuê tai” – loại hình dịch vụ mới đang nở rộ tại Nhật Bản

Vì khuôn phép xã hội và kì vọng của gia đình, nhiều người trẻ tuổi ở Nhật Bản không dám nói ra những điều mình nghĩ với người thân. Điều này đã tạo điều kiện cho một “nghề lạ” phát triển.

“Lắng nghe người khác là một sở thích”

Takanobu Nishimoto cùng các cộng sự là những người đàn ông trung niên Nhật Bản đang làm một công việc vô cùng đặc biệt, đó là cho thuê… “đôi tai” của mình.

Khách hàng của ông Nishimoto rất đa dạng, từ những người về hưu cô đơn cho tới các nữ sinh đang u sầu vì vỡ mộng. Họ tìm đến dịch vụ của ông Takanobu Nishimoto vì cần một người biết lắng nghe.

Theo AFP, có một đặc điểm chung giữa các khách hàng của ông Takanobu Nishimoto là họ không bao giờ chịu “trút bầu tâm sự” với các bác sĩ tâm lý, và nguy hiểm hơn là ngay cả với những người thân trong gia đình họ cũng không chịu hé răng nửa lời.

Bất cứ ai cần giải tỏa những điều chất chứa trong lòng mà không thể nói ra với bạn bè hoặc người thân đều có thể đăng ký thuê một “ossan” (từ dùng để chỉ một “ông chú” trong độ tuổi từ 45 tới 55) qua mạng để lắng nghe mình với mức giá 1.000 Yên (10 USD) một giờ.

“Đối với tôi, dịch vụ lắng nghe này là một sở thích, một đam mê hơn là công việc”, ông Takanobu Nishimoto chia sẻ.

Ông Nishimoto đã nảy ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ này từ 4 năm trước và tính đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ của ông đã thu hút được khoảng 60 thành viên là những người đàn ông trung niên sống trên toàn nước Nhật tham gia.

“Ý tưởng ban đầu nảy ra trong đầu tôi vốn chỉ là để nâng cao hình ảnh của những người đàn ông cùng độ tuổi với mình, những người có thể không còn trẻ nữa và cũng không nhìn nhận mọi thứ quá nghiêm trọng nữa”, ông Takanobu Nishimoto cho biết.

Người đàn ông 48 tuổi, hiện vẫn đang là một trợ lý thời trang chuyên nghiệp này cho biết, mỗi tháng ông lắng nghe chuyện đời của từ 30 đến 40 khách hàng và khoảng 70% trong số đó đều là phụ nữ.

“Khách hàng thường chỉ thuê tôi trong khoảng từ một đến hai tiếng, chủ yếu là để nghe họ tâm sự”, ông Nishimoto chia sẻ.

Muôn kiểu khách hàng tìm đến dịch vụ “cho mượn tai”

Trong câu chuyện với phóng viên, ông cũng kể về trường hợp đặc biệt của một cụ bà khoảng 80 tuổi. Cụ bà đã “đặt hàng” ông đi bộ quanh công viên cùng cụ mỗi tuần. Điều này khiến ông cảm thấy mình như trở thành con trai của cụ vậy.

Khách hàng của ông rất đa dạng, lúc thì là một người đi câu cá không thích ngồi im lặng một mình chờ cá cắn câu, lúc thì là một sinh viên tham vọng dấn thân vào ngành giải trí nhưng không được gia đình ủng hộ.

Đôi khi, đó có thể là một nhân viên mới còn non kinh nghiệm không biết phải ứng xử ra sao với cấp trên trực tiếp của mình.

Tuy nhiên khách hàng của ông Takanobu Nishimoto không phải là những người tự cách ly mình với xã hội hay gặp khó khăn trong việc thích nghi với xã hội.

Họ tìm tới dịch vụ này đơn giản chỉ để quên đi những kỳ vọng của gia đình, bạn bè đang đè nặng lên vai họ và được tự do nói lên quan điểm của mình về nhiều vấn đề khác nhau mà bình thường họ không thể nói ra.

Điều này theo các chuyên gia tâm lý là đặc biệt hữu ích với người dân Nhật Bản khi họ luôn bị đóng khuôn bởi các hình mẫu vai trò xã hội và bị chính những kỳ vọng của người khác kìm kẹp bản thân.

Nhật Bản đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh từ thực trạng tự cô lập mình với xã hội, trong số đó phải kể đến hiện tượng “hikikomori” (tạm gọi là hội chứng tự kỷ trong phòng) thường xảy ra với những người trẻ.

Những người này không muốn ra khỏi nhà, từ chối giao tiếp, chỉ thích ru rú trong nhà chơi video game, lướt nét hay đơn giản là ngồi thu lu trong phòng chẳng làm gì.

Chị Nodoka Hyodo, một khách hàng 24 tuổi, sau buổi nói chuyện với ông Nishimoto chia sẻ:

“Tiếp xúc với những người khác nhau, tôi lại là một người hoàn toàn khác. Khi ở với bạn bè, với gia đình hay với bạn trai, cái “tôi” của tôi dường như biến thiên theo từng đối tượng mà tôi tiếp xúc.

Tôi luôn phải tạo ra một cái “tôi” khác nhau trong các mối quan hệ. Nhưng ở đây, tôi không cần phải làm vậy nữa vì tôi đang nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ. Nhờ ông ấy tôi cảm thấy hiểu mình hơn”.

Ý kiến chuyên gia về dịch vụ “cho mượn tai” tại Nhật Bản

Nhà tâm lý học Hiroaki Enomoto nhấn mạnh trong xã hội Nhật Bản, có những quy tắc xã hội quy định những gì có thể nói và không thể nói, kể cả với những mối quan hệ cực kỳ thân thiết.

“Khi có một vấn đề mới nảy sinh, bạn cảm thấy rất khó để mở lời với ai đó bởi họ có thể không phải là người phù hợp để bạn tâm sự. Bạn cũng không biết làm thể nào để diễn đạt câu chuyện mà không khiến người khác bực mình.

Nhưng nếu thuê một người lắng nghe thì mối quan hệ đó trở thành một mối quan hệ mua bán nên sẽ có những nguyên tắc khác. Bạn có thể thỏa sức nói bất cứ điều gì mình muốn”, chuyên gia Enomoto cho biết.

Trong những năm qua, tại Nhật Bản xuất hiện rất nhiều công ty chuyên cung cấp dịch vụ “cho thuê bạn” trả tiền theo giờ.

Khách hàng có thể thuê nhân viên của những công ty này làm bạn giả, người thân giả hoặc người yêu giả để tham dự các sự kiện xã hội khác nhau như tang ma, cưới hỏi, tiệc tùng. Một số khách thuê người đơn giản chỉ để bầu bạn trong lúc cô đơn khi về già.

Ông Nishimoto cho biết đã từng vài lần cân nhắc dừng dịch vụ này nhưng ông phát hiện ra chính bản thân ông cũng cần khách hàng của mình như họ cần ông vậy.

“Tôi không biết chính xác họ cần gì khi họ thuê tôi, và tất nhiên điều đó có chút đáng sợ nhưng đó cũng là điểm khiến cho công việc này trở nên thú vị.

Thành thật mà nói, tôi chưa từng gặp phải một khách hàng “quái chiêu” nào. Mà trái lại, tôi lại được trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau”ông Nishimoto cho biết.