Đôi điều tâm sự về cuộc đời và lương kế toán

Nhiều người đã từng nghĩ và ngay đến cả tôi cũng “đã từng” nghĩ như vậy. Cái suy nghĩ xưa kia là kế toán là công việc nhàn hạ, sáng mở sổ ra, tối gấp sổ lại, số má đôi chút, cuối tháng bận chút là xong. Nào ngờ thực tế không như mơ.

 

Ai bảo kế toán là ngồi bàn giấy?

 

Ra trường được gần hơn một năm mà tôi đã chuyển công ty đến 2-3 lần vì không chịu nổi công việc quá cáo và áp lực mà mức lương lại quá thấp.

Lần đầu tiên xin việc, tôi cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc còn non nớt kinh nghiệm làm việc của một cử nhân mới ra trường, và tôi được nhận làm tại công một công ty du lịch tại Hà Nội. Hí hửng vì kiếm được việc làm mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai cả. Nhưng mức lương mà tôi nhận được là thử việc 1.5 triệu đồng. Đành ngậm ngùi tự an ủi mình rằng coi như cơ hội để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm chứ không quan tâm lương lậu ra sao vì dù sao mình cũng chưa có kinh nghiệm gì nên cũng không dám đòi hỏi gì cả.

 

Bàn làm việc của tôi được trang bị rất đầy đủ. Một chiếc bàn nhỏ xinh xắn với bộ máy tính mới, một chiếc ghế xoáy và bên cạnh là giá tài liệu với đôi quyển sổ cùng bút viết. Tưởng chừng công việc sẽ thú vị đây. Thế nhưng suốt 3 tháng trời làm việc tại đây, số vòng xoay chiếc ghế chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi mà chưa kịp ngồi nóng chỗ, tôi đã phải đứng lên làm trăm thứ việc khác.

Quản lý của tôi là một chị kế toán tổng hợp với 10 năm kinh nghiệm cùng mức lướng đáng mơ ước của mỗi người là gần 40 triệu đồng/ tháng. Chị rất nhẹ nhàng và tốt với nhân viên. Ngày đầu đi làm chị ân cần bàn giao cho tôi chỗ ngồi mới, chị dịu dàng nói: “Có gì không hiểu cứ hỏi chị”. Nhưng suốt nhiều tháng trời, hình mẫu lý tưởng ấy của tôi chỉ xuất hiện vào lần, thoắt ẩn thoắt hiện tựa sao trên trời vậy. Mọi việc đều đến tay tôi. Từ kiểm kho, ghi xuất nhập tồn, phát lương, đi kiếm các công ty đặt in hóa đơn, in và đếm hóa đơn, cho đến những việc như pha trà, rửa chén cho sếp “lớn”.

 

 

Thực ra, những ngày như vậy vẫn là “hạnh phúc”. Cuối tháng mới thực sự là ác mộng. Tôi phải tổng hợp hàng trăm thứ sổ sách, lương, đặt in hoá đơn giá trị gia tăng cho tới các giấy tờ khác.

Với mức lương tháng 1,5 triệu đồng, tôi phải căng ra để không phạm phải bất cứ sai sót nào trong hàng trăm nghìn giấy tờ sổ sách. Ở đây, làm tốt không được thưởng nhưng làm sai sẽ bị phạt, trừ vào tiền lương.

Sau quá trình thử việc, mức lương được tăng gấp 2 lần, tức lên 3 triệu đồng. Lúc này, tôi được yêu cầu cam kết không sinh đẻ trong 3 năm làm tại công ty thì mới được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm. Có việc là tốt rồi, tôi đặt bút ký mà không suy nghĩ gì nhiều.

 

Trong phòng kế toán của tôi, có hai nhân viên khác. Họ cũng đi làm đúng ngành học nhưng tình hình cũng chẳng khác tôi là mấy. Mỗi ngày, họ phải nhận hàng trăm cuộc gọi của khách hàng, từ tư vấn, giao dịch cho đến các vấn đề phát sinh của hợp đồng.

Do làm kế toán công nợ và thanh toán, cần đối chiếu công nợ với đối tác thường xuyên nên số điện thoại cá nhân của 2 đồng nghiệp cùng phòng trở thành số điện thoại công cộng. Với họ, việc phải nghe khách phàn nàn, thậm chí mắng chửi đã trở thành cơm bữa.

Mỗi tháng quyết toán lập báo cáo tài chính và thuyết minh báo cáo tài chính 1 lần. 3 tháng phải làm việc với kiểm toán. 6 tháng ban kiểm soát làm việc 1 lần. Mỗi năm 1 lần với cơ quan thuế. Cứ như vậy, số lượng các báo cáo ngày càng nhiều. Cuối tháng, chúng tôi phải đem sổ sách về nhà, làm cả ngày càng đêm, gật gù trên bàn làm việc chẳng khác gì ôn thi đại học.

 

Tuy thế, chúng tôi vẫn phải yêu nghề, gắn bó với nghề. Bởi nếu không làm kế toán, bỏ nghề này, chúng tôi chẳng biết xin việc ở đâu.

Đặc thù của nghề kế toán là khi làm quen việc ở một mảng/ngành thì dễ quên các nghiệp vụ khác. Khi muốn chuyển việc cũng khó vì hầu hết các công ty đều yêu cầu kế toán tổng hợp.

Nếu như trước đây, tôi chọn học ngành Kế toán – Kiểm toán vì đơn giản cũng không biết lựa chọn nên học ngành gì ở thời buổi kinh tế thị trường này nữa. Cũng giống như thời xưa kia nghề sư phạm là lựa chọn hàng đầu cho dân ngoại tỉnh vậy. Nhưng ngày nay, lựa chọn nghề kế toán bởi nó dễ xin việc hơn do kinh tế thị trường phát triển, các DN mọc lên như nấm vậy.

 

Sống bằng lương kế toán thì cả nhà chết đói?

 

Câu chuyện này là đề tài chung của dân học kế toán than nghèo kể khổ. Cũng bởi vì thế mà nhiều kế toán viên có những mánh lới riêng để kiếm thêm thu nhập hay họ thường sẽ có nghề tay trái để kiếm sống.

Anh cùng học đại học với tôi cũng đang làm kế toán tổng hợp cho một công ty vừa và nhỏ. Công việc của anh ấy chẳng khác gì tôi, cũng đa di năng đủ cả. Vì cũng chỉ là công ty nhỏ trong nước nên mức lương mà anh ấy nhận được khá thấp nên chẳng đủ nuôi gia đình. Bởi vậy mà câu cửa miệng của tôi và anh ấy mỗi khi gặp nhau nói về chuyện nghề nghiệp là “Sống bằng lương kế toán có mà cả nhà chết đói”.

 

Theo như anh ấy thì có nhiều cách để kiếm tiền lắm. Ví dụ như nhà cung cấp X muốn thanh toán công nợ nhanh thì cứ phải “bo” ít quà cho kế toán để kế toán nhắc sếp thanh toán cho nhà cung cấp này trước. Và nghiễm nhiên khoản tiền lót tay ấy mình được hưởng. Hay mua hoá đơn vật tư hàng hoá cho công ty, anh ấy cũng sẽ được hưởng chút ít gọi là hoa hồng. Thậm chí anh ấy còn chia sẻ thực lòng với tôi rằng nếu mình làm theo ý sếp, hạch toán theo sếp thì có khi còn được sếp thưởng cả tháng lương mà không hề ai biết. Bởi chuyện này chỉ có sếp với kế toán biết. Nghe vậy thôi, tôi cũng đã thấy run rồi, đấy khác nào làm sai quy định đâu. Chả trách bảo sao người ta thường không cho phép sếp và kế toán là người nhà vì dễ dẫn đến kết cấu với nhau chuộc lợi. Rồi anh ấy tâm sự với tôi những mánh khoé công việc. Bảo sao tôi thấy cùng là kế toán tổng hợp với nhau, cùng số năm kinh nghiệm đi làm mà anh ấy dùng toàn hàng hiệu, tiêu tiền thoải mái không cần nghĩ. Nhìn đến mình lại thấy tủi thân phận kế toán nghèo kiếp xác. Nhưng có tật thì rất dễ giật mình. Anh ấy tiêu xài thả ga, dùng hàng hiệu, đi ôtô nhưng tôi biết đằng sau là những giấc ngủ chẳng yên. Anh ấy dường như lúc nào cũng lo sợ vì những điều mình đã làm sai trái. Cái giá phải trả cho những đồng tiền không thấy mặt là nhiều đêm không ngủ và những ngày bất an. Bởi chỉ cần bị phát hiện thì nhân viên kế toán sẽ bị mất nghề, mất cả nghiệp, thậm chí là bị khởi tố, đi tù.
Ngẫm lại thân mình, tôi bất giác thở dài. Đến bao giờ mới leo lên được nấc thang của chị kế toán trưởng bằng con đường chân chính?

Tuy nghề kế toán có mức lương “bèo bọt” thật đấy nhưng với sự kiên trì và cố gắng của bạn thì cũng sẽ có thành quả xứng đáng nhé!