Tâm sự của một môi giới bất động sản làm giám đốc sàn ở tuổi 23

Nghề môi giới BĐS vốn không có giao dịch liên tục và ổn định. 3 tháng đầu Hạnh tưởng chừng muốn bỏ nghề vì không có giao dịch. Đến tháng thứ 4, một khách hàng khó tính lần lữa chưa chịu “xuống cọc” dù đã được tư vấn 2 lần, bỗng gọi Hạnh đến ký hợp đồng vào một buổi tối mưa gió…

Sinh năm 1995, Hoàng Thị Hạnh hiện là Giám đốc một sàn bất động sản (BĐS) tại TP Thanh Hóa và có những dấu ấn khá nổi bật ở mảng tư vấn, môi giới và đào tạo BĐS, triển khai kinh doanh nhiều dự án lớn thuộc phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng tại khu vực.

 

Từ nhân viên muốn “bỏ nghề” trở thành Giám đốc sàn BĐS

 

Tốt nghiệp một trường cao đăng về y tế vào tháng 10/2016, Hạnh lại bén duyên với nghề môi giới BĐS vào tháng 3/2017 từ một lời giới thiệu của cô bạn thân. Nghề này hấp dẫn cô gái sinh năm Ất Hợi bởi thu nhập cao, môi trường năng động và là đòn bẩy để cô theo đuổi tham vọng thành công trước tuổi 25.

Bắt đầu công việc với vị trí nhân viên kinh doanh, Hạnh chia sẻ: 3 tháng đầu là thời gian vô cùng khó khăn, tưởng chừng muốn bỏ nghề vì không có giao dịch. Đến tháng thứ 4, công việc có chút khả quan hơn.

Có lần khách hàng mời ăn tối lúc 7 giờ. Trong bữa cơm ấy, họ mời rượu rất nhiều và có hành động hơi khiếm nhã…

Có một vị khách hàng khá khó tính, phải gọi điện rất nhiều lần khách mới chịu cho gặp mặt trực tiếp để tư vấn . Sau cuộc gặp đầu tiên, khách nói để suy nghĩ thêm. Sau đó, Hạnh tiếp tục gọi điện thoại tư vấn. Biết đây là khách đầu tư, điều quan tâm của họ là lợi nhuận ở dự án mình bán, Hạnh chú tâm tư vấn cho khách những dự án mới, vị trí đẹp, có khả năng sinh lời cao.

“Dù bị từ chối tiếp chuyện bằng điện thoại nhiều lần nhưng có lẽ thái độ chân thành của tôi đã dần thuyết phục được khách mua. Đến lúc gặp tư vấn lần 2, khách đã có ý định đầu tư nhưng vẫn chưa chịu “xuống cọc” ở lần này”.

Sau đó khoảng 7 ngày, khách hàng đã chủ động gọi cho tôi và quyết định ký hợp đồng cọc vào một buổi tối trời mưa gió. Tôi cùng một cộng sự đã vượt hơn 20km trong đêm bằng xe máy để nhận cọc hợp đồng. Lúc đó hạnh phúc vỡ òa vì công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Hiện, người này đã trở thành khách đầu tư thân thiết của tôi”, Hạnh chia sẻ.Đó là khách hàng đầu tiên Hạnh chốt thành công, với khoản hoa hồng gần 100 triệu đồng.

 

[Chuyện nghề] Tâm sự của một môi giới BĐS: Ngày gọi 400 cuộc điện thoại, 3 tháng đầu muốn bỏ nghề vì không có giao dịch, giờ thu nhập tới 200 triệu đồng/tháng, làm giám đốc sàn ở tuổi 23 - Ảnh 2.

 

Khi bản thân đã tự chốt thành công giao dịch đầu tiên, mọi việc có vẻ dễ dàng hơn. Mỗi ngày, kinh nghiệm và kỹ năng chốt khách được nâng lên một chút. Tâm trạng Hạnh cũng vui vẻ, kinh tế ổn hơn để tiếp tục với nghề.

Sau 6 tháng làm việc hiệu quả, đạt 10 – 12 giao dịch/tháng, Hạnh được ban Tổng giám đốc cấn nhắc lên vị trí Giám đốc sàn, quản lý đội ngũ hơn 30 nhân viên sales khi mới bước sang tuổi 23.


Bí quyết có chỗ đứng trong nghề: Không bán sản phẩm BĐS gây hại cho khách hàng

 

Bí quyết nghề nghiệp của Hạnh là “không bán sản phẩm BĐS gây hại cho khách hàng”, uy tín phải đặt hàng đầu. Cụ thể, đối với những sản phẩm chưa rõ pháp lý sẽ không chào khách mua. Khách hỏi phải tư vấn đúng, không làm mọi cách, mọi giá để bán sản phẩm không tốt.

“Bản thân người môi giới phải luôn đặt vị trí của mình vào người mua bởi họ cũng giống như mình luôn muốn tìm kiếm các sản phẩm “sạch, đẹp, giá trị sinh lời cao”, Hạnh giãi bày.

Với cách làm có tâm này, mặc dù chỉ mới đến với nghề hơn 1 năm, cô gái 23 tuổi đã có lượng khách hàng đầu tư thân thiết đáng nể, có những khách hàng trao cô cả chục tỷ đồng để giao dịch khi có dự án mới công ty mở bán.

 

Telesales là hiệu quả nhất, mỗi ngày gọi điện cho 300 – 400 khách

 

Theo Hạnh, trong nghề này, có rất nhiều cách để tiếp cận khách hàng như phát tờ rơi, đăng tin qua các trang mạng xã hội, chạy truyền thông… nhưng cách cô yêu thích nhất vẫn là Telesales (phương pháp bán hàng qua điện thoại). Trước mỗi dự án mới cần tìm kiếm khách hàng, mỗi ngày Hạnh gọi điện cho 300-400 khách hàng.

Với cách này, Hạnh có thể chủ động chia sẻ, các thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được trao “tận tai” khách hàng. Từ đó, nếu nhạy cảm, một môi giới sẽ biết được nhu cầu, khả năng của khách mua đến đâu, ra sao để đưa ra phương pháp tư vấn phù hợp nhất.

Theo cô gái trẻ này, dù tư vấn như thế nào thì thông tin đúng, thái độ chân thành quyết định phần lớn để khả năng kết nối giữa môi giới với khách mua. Đây cũng chính là phương pháp giúp Hạnh chốt được nhiều giao dịch trong tháng.

 

Chia tiền vào 3 lọ: 40% thu nhập dành để truyền thông và chăm sóc khách hàng

[Chuyện nghề] Tâm sự của một môi giới BĐS: Ngày gọi 400 cuộc điện thoại, 3 tháng đầu muốn bỏ nghề vì không có giao dịch, giờ thu nhập tới 200 triệu đồng/tháng, làm giám đốc sàn ở tuổi 23 - Ảnh 4.

Nghĩ lại thời gian đầu bước vào nghề, Hạnh trầm ngâm: “Thực chất, cái nghề này giao dịch không liên tục, ổn định theo tháng. Tháng được tháng không, bù trừ nhau. 3 tháng đầu mới bước vào nghề, tôi chỉ hưởng lương cơ bản 5 triệu đồng mỗi tháng”.

“Sau khi có giao dịch đầu tiên, nếu chia đều giữa các tháng (bù trừ giữa tháng được tháng không ) thì thu nhập bình quân đạt từ 20-40 triệu đồng/tháng. Sau đó, khi giao dịch tăng lên, khách đầu tư biết đến mình nhiều, dự án mới khởi động thì từ tháng 9/2017 đến nay, thu nhập của tôi đạt từ 100-200 triệu đồng/tháng.

Hạnh cho hay, với thu nhập trên, cô sẽ bỏ ra khoảng 10% cho chi phí truyền thông, 30% cho hoạt động tiếp khách hàng và các mối quan hệ khác.

 

Khó khăn không ít nhưng phải đi đến cùng!

 

“Nghề nào cũng sẽ có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nếu yêu nghề thì nghề cũng yêu mình. Đứng trên góc cạnh là một chuyên viên tư vấn BĐS, tôi nhận thấy đây là một nghề có thu nhập cao, nhưng khó khăn và cám dỗ cũng rất nhiều. Để thành công trong nghề, mỗi ngày phải làm việc nhiều hơn 12 tiếng, phải rèn luyện kỹ năng tiếp nhận và truyền đạt thông tin nhanh nhạy, chính xác”, Hạnh chia sẻ.

Là nghề thu nhập cao, lại là phận nữ nhi, mỗi lần đi giao dịch với khách hàng đều tiềm ẩn những nguy hiểm. Có một số khách hàng không được lịch sự, hoặc không nghiêm túc trong lời nói và hành động.

Hạnh kể: “Có lần khách hàng mời ăn tối lúc 7 giờ. Trong bữa cơm ấy, họ mời rượu rất nhiều và có hành động hơi khiếm nhã. Thế nhưng, bằng kỹ năng nghề nghiệp, tôi từ chối khéo và xin về trước để vừa thể đảm bảo an toàn cho bản thân mà vẫn giữ sự tôn trọng nhất định với khách hàng. Vì với tôi, bán được hàng là tốt, nhưng không phải bán hàng bằng mọi giá”.

Cô gái nhỏ nhắn này cho rằng, nếu theo đuổi nghề một cách nghiêm túc, chịu khó học hỏi, cộng với sự chân thành với khách hàng thì sẽ sớm thành đạt ở độ tuổi rất trẻ. Trong nghề nên tìm cho mình một cộng sự tốt, để hỗ trợ nhau trong công việc. Cộng sự tốt trước hết phải tin tưởng nhau, hợp nhau về cách làm việc, là một người yêu nghề.

Nhờ theo đuổi đam mê một cách nghiêm túc, có thu nhập từ nghề, Hoàng Thị Hạnh vừa mở cho mình một quán trà đạo nho nhỏ ngay trung tâm Tp.Thanh Hoá, vừa là nơi kinh doanh, tiếp khách vừa là địa điểm tụ họp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các anh em trong nghề BĐS.