Tâm sự nghề nghiệp của anh em làm nghề xây dựng

Có bao giờ anh em tự hỏi mình cơ duyên nào dẫn chúng ta đến với nghề xây dựng ? Đôi lúc có những khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về đoạn đường chúng ta đang đi. Có những gian nan, thử thách, vấp ngã rồi lại đứng dậy mạnh mẽ . Chúng ta luôn mơ ước một ngày tươi sáng để vượt qua những thử thách trong nghề . Dưới đây là tâm sự suy nghĩ thực tế, suy tư, hoặc thậm chí ý tưởng viển vông về nghề của anh em làm nghề xây dựng, về con đường và cơ duyên đến với nghề của mỗi chúng ta. Mời các bạn cùng đọc để cùng cảm nhận và chia biết đâu sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong mỗi tâm sự.

 

Bạn Lê Trọng Nam tâm sự : Vì sao tôi không thích đi thi công.

 

Hồi mới ra trường, có 1 lần tôi đi theo 1 đơn vị thi công ra công trường. Lúc đó có trưởng ban QLDA đi cùng Giám đốc của đơn vị thi công, cùng đi có đám lâu la chạy theo để sếp tiện sai bảo và để sếp thêm phần hoành tráng vì xung quanh có lính đi theo hầu hạ (bệnh của sếp thường phải có lính đi cùng ấy mà)

Khi đến công trường, sau khi xem xét tình hình, phát hiện thấy bên thi công làm chưa đúng quy trình, Trưởng ban QLDA liền nắn gân: “các ông làm ăn thế sao?

Giám đốc thi công trả lời câu gì đó tôi không nhớ. Nhưng đại loại là thanh minh cho đơn vị mình. Trời thì nắng như đỏ lửa, công trường bụi bặm nên người ta càng dễ nổi nóng. Rồi lời qua tiếng lại, Trưởng ban QLDA không bằng lòng với cách đôi co của Giám đốc thi công liền quát lớn:
“Ông làm ăn thế còn cãi chày cãi cố à, tôi đạp 1 phát cho ông rớt xuống hố móng bây giờ!”  – xin lỗi tôi phải trích lại nguyên văn câu chửi để các bạn thấy độ xúc phạm đến mức độ nào.

Nghe câu đó xong. Đám lâu la tùy tùng xanh mặt, tất cả im phăng phắc. Tôi nghĩ chắc vị Giám đốc thi công sẽ phản ứng lại quyết liệt câu nói xúc phạm trước văn võ bá quan như vậy. Nhưng tôi khá bất ngờ khi vị Giám đốc kia làm ngược lại, hạ giọng xun xoe xin lỗi.

Lúc đó, tôi thấy sao mà hèn đến thế. Dẫn biết rằng bên A là người có tiền. Nhưng ỷ có tiền là phải vậy sao? Danh dự của người ta đâu rồi?
Và tôi hiểu ra rằng, vì quyền lợi của công ty thi công trong đó có quyền lợi rất lớn của vị giám đốc kia nên ông ta chọn giải pháp nín nhịn bên A mặc dù uất ức, xỉ nhục đến như vậy.

Qua chuyện này, tôi hứa với lòng mình sẽ kiên quyết không đi theo con đường thi công.

 

Bạn Nguyễn Viết Hoàng tâm sự : 

 

– Lúc đầu khi ra trường, tôi luôn mong sẽ đi theo nghiệp thi công và phấn đấu làm đội trưởng bởi: thấy người thi công đứng công trình chỉ trỏ điều hành công nhân oánh quá, lại nghe tiếng (thấy thực tế vậy luôn) là những ông đội trường xây dựng giàu kinh khủng và Giám đốc doanh nghiệp XD đều xuất thân từ dân công trường mà ra cả.

Và rồi sau 2 năm phấn đấu, tôi may mắn được sếp ưu ái đẩy phát ra công trường đồng thời kiêm luôn chức đội trưởng thay thế cho 1 anh đang làm nhưng bên A chê và làm kết quả nghiệm thu liên tiếp k đạt. Tôi tiếp cận được 1 thời gian thì đụng độ ngay “tên giám sát sát thủ” chuyên đi bắt lỗi nhà thầu để moi tiền phong bì. Những lỗi đa số là ngớ ngẩn theo kiểu: khoảng cách cốt thép đai phải đều đạt khoảng cách như nhau (như cơ khí vậy). Lệch 5mm cũng bắt lỗi sửa lại. Tôi rất bực mình và rồi tìm cách cho anh ta 1 bài học. Cách của tôi là: không cần lãi nữa, huề vốn cũng Ok. Tôi thuê thiết bị tốt nhất, đội ngũ thợ lành nghề nhất trả lương cao. Sau đó làm đúng y chang bản vẽ không sai bất cứ chỗ nào theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Lúc đó sáng hôm sau là nghiệm thu móng thì chiều hôm trước, sau khi kiểm tra tim cos Ok tôi tiến hành nhổ hết cọc mốc dẫn thi công, chỉ để lại cọc mốc mà bên A bàn giao. 
Đến sáng hôm sau, “sát thủ giám sát” kia đi ô tô tới, đầu tóc bóng lộn và lại chọn rất khéo là vào gần giờ ăn trưa (chắc để tính bên B phải mời đi ăn nhậu ấy mà). Anh ta quan sát một hồi rồi hách dịch cao giọng:

– Ê mấy cọc mốc để đo kiểm tra đâu không thấy?
– Vướng thi công nên Tôi nhổ hết rồi. – Tôi dõng dạc trả lời.
Giám sát nóng mặt:
– Đi đóng cọc mốc ngay và đem thước cho tao kiểm tra. Sau 15 phút phải xong đấy.
Tôi từ tốn đáp lại:
– Tôi không làm nếu Anh có thái độ ra lệnh đó với tôi. Anh nhờ đàng hoàng thì tôi làm. Chứ đừng lên giọng kể cả như vậy. Giám sát đi kiểm tra phải có phương pháp kiểm tra và tự mình sắm dụng cụ để kiểm tra chứ?
Giám sát điên tiết:
– Mày nói bố láo vậy ah. Nếu không làm thì tao về và không nghiệm thu.
Tôi trả lời – vẫn từ tốn:
– Tôi là thi công, tôi đã tự nghiệm thu nội bộ và thấy OK hết rồi. Cọc mốc chuẩn vẫn còn nguyên, nên Giám sát không tin thì tự đi đo. Nhiệm vụ thi công tôi đã xong. Còn lại việc của Giám sát. Nhờ đàng hoàng thì tôi làm giúp. Còn phách lối thì tôi từ chối không làm. Nếu Anh chỉ ra được quy định nào của Nhà nước hoặc hợp đồng bắt thi công phải phục vụ tim mốc dẫn cho giám sát kiểm tra nghiệm thu thì tôi làm ngay. Còn Anh thích không nghiệm thu thì cứ về. Và nhớ ghi giúp tôi vào sổ nhật ký câu: “vì nhà thầu không cắm tim mốc dẫn và lấy thước cho bên A nên bên A bỏ về không nghiệm thu”. 
Giám sát lồng lộn:
– Mày dám nói vậy ah. Tao không ghi. Tao về.
Tôi vẫn ôn tồn:
– anh không ghi cũng không sao. Tôi sẽ tự ghi vào sổ y như vậy.

Kết quả: giám sát bỏ về. Tôi ghi sổ. Việc này ngay sau đó tôi báo cáo về cho Giám đốc bên CĐT và bên công ty tôi ngay. Và cuộc họp nóng được tiến hành và các bên cùng ra hiện trường nghiệm thu. 
Kết quả:
– Họ khen tôi tổ chức thi công rất tốt, chuẩn. Đạt yêu cầu. Và đề nghị lần sau không nên căng thẳng với Giám sát. 
– “Sát thủ giám sát” kia được điều chuyển và họ thay bằng 1 giám sát khác.

 

Bạn Nguyễn Minh Long tâm sự : 

 

Theo tôi nên nhìn 1 cách khách quan và lạc quan hơn để dễ sống. Bởi mọi việc đều có tính 2 mặt của nó. Nếu chỉ nhìn vào mặt xấu thì thấy công việc đó thật là tồi tệ. Nhưng nếu nhìn vào mặt tốt thì cho rằng cv đó thật là OK. Rồi như vậy, chúng ta nhìn vào mặt xấu của công việc này để đem so sánh với mặt tốt của công việc khác thế là thấy công việc khác sao mà sướng thế.

Thử mà xem:
– Nghề thi công xây dựng: xa nhà thường xuyên, bỏ bê vợ con, vất vả trăm bề, sương gió nhọc nhằn. Là thành phần “đáy bùn” trong nghề Xd, trên đe dưới búa: dưới tư vấn GSat, dưới chủ đầu tư, phải nghe theo thiết kế… ôi sao mà nghề khổ thế. 
Nhìn so với nghề Ngân hàng mà xem: lương cao, thưởng nhiều, ngồi phòng máy lạnh, lúc nào cũng thấy cười phơi phới, lâu lâu lại thấy cho đi du lịch này nọ. Ôi cuộc đời hơn tiên!

Thế nhưng ngầm ngược lại:
– Nghề thi công xây dựng phóng khoáng vô cùng. Sáng làm, chiều đã nhậu chén chú chén anh. Làm cực có cực nhưng được cái đi lại thoải mái. Chưa kể vào độ “chia chác” mánh lới đủ kiểu, chuyện đời hiểu hết, ai thật ai giả biết ngay. Yêu nghề nên khắc ghi khẩu hiệu: “Mỗi công trình là 1 đứa con”. Đi đó đi đây còn gì bằng. Mồi ngon vật lạ : Rắn rết, trăn, khỉ gì cũng biết ráo. Dân xây dựng rất được tiếng tăm: luôn nổi tiếng là dân giàu có làm ra tiền đấy thôi. Nên tán gái thì cưa đâu đổ đấy. Ôi! nghề Xd thật sung sướng vô cùng!

Còn nghề ngân hàng: bó gối ngồi 1 chỗ, bị áp lực khách hàng chửi rủa, đầu tắt mặt tối để kết sổ cuối ngày, tiền chênh 1 tý là ốm đòn ngay. Lại thêm gánh nặng khoán doanh thu, mỗi người phải gồng mình ra đi tìm mối huy động. Nếu không đạt là trừ thưởng. Lúc nào cũng phải cười, ngay cả khi mới có chuyện buồn não nề cũng phải cười nhăn nhở. Nếu k thì khách hàng kêu ca, phản ánh ngay. Ôi nghề gì khổ thế!

 

Tóm lại:

– Với cá nhân tôi, vẫn yêu nghề xây dựng hơn tất thảy. Đó là duyên nợ của tôi. Nhưng nghề xây dựng thì có vô số chuyên môn để hành nghề: QLDA, thiết kế, giám sát, thi công, quản lý chi phí… trong số đó, với cá nhân tôi không thích hợp với nghề THI CÔNG XD: bởi duy nhất nghề đó cái phần “chợ búa”, “nhẫn nhục” khiếp quá không hợp với tính cách thẳng thắn của tôi.

Nhưng tôi chọn nghề QLDA, nghề giám sát, và quản lý chi phí. Đây là lĩnh vực xây dựng mà tôi thấy tuyệt vời nhất không nghề nào bằng. Trong xây dựng có nhiều con đường bạn ah. Hãy chọn con đường thích hợp nhất với bạn. Đừng bao giờ chán nó.